Tác phong làm việc của nhân viên chưa tốt, lỗi tại ai?

5S, công cụ tối ưu giúp doanh nghiệp giảm tồn kho
06/07/2021
PDCA không bắt đầu từ… “P”
17/07/2021

Tác phong làm việc của nhân viên chưa tốt, lỗi tại ai?

Nhiều chủ doanh nghiệp và các quản lý thường hay phàn nàn, rằng tác phong làm việc của nhân viên chưa chuẩn, khiến họ bực mình thậm chí là xấu hổ với khách hàng và đối tác… nhưng thực chất vấn đề là gì? Có cách nào hóa điều đó hay không, thay vì người quản lý chỉ biết ngồi vậy mà kêu ca và chẳng có gì thay đổi?

 

Hãy chấp nhận, trường học không dạy chúng ta tất cả!

Trường học là nơi chủ yếu tập trung giáo dục kiến thức, chứ không có nhiệm vụ phát triển con người một cách toàn diện.

Rõ ràng là có nhiều người học hành xuất sắc ra trường, vượt qua các vòng tuyển dụng của công ty nhưng khi đi vào thực tế công việc thì lại bộc lộ những điểm hạn chế nhất định. Thực tế, tại buổi phỏng vấn, doanh nghiệp chỉ có thể đánh giá được trình độ và kỹ năng của ứng viên phần nào qua hồ sơ, bảng điểm, bằng cấp cũng như những gì mà họ thể hiện. Khi đó, bộ phận nhân sự của doanh nghiệp xác nhận các thông tin thực về trình độ, hành vi cơ bản và thái độ của ứng viên. Vì thời gian tiếp xúc có hạn nên doanh nghiệp dựa vào những thông tin ít ỏi thu thập được, đưa vào “lăng kính” đánh giá với hiệu ứng Halo*, để nhận định toàn bộ về con người của ứng viên. Nghĩa là nếu một ứng viên nhận được quyết định tuyển dụng thì có nghĩa là những gì người đó thể hiện đã phù hợp với mục tiêu tuyển dụng của doanh nghiệp, còn những mặt khác chưa kịp tìm hiểu hoặc đánh giá được coi là có xu hướng tốt giống như những gì mà ứng viên đã thể hiện.

Điều trên đúng với mọi nơi trên thế giới này, dù là ở nước đang phát triển như Việt Nam hay kể cả với các nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Mỹ và các nước EU… Vậy nên hãy hài lòng với kết quả tuyển dụng và chấp nhận con người ứng viên, hãy cùng nhân viên bổ sung những khiếm khuyết về lâu dài.

 

Nếu để ý các bạn sẽ thấy, những năm gần đây có nhiều cuốn sách Self-help’ như “Những điều Harvard không dạy bạn” đã phần nào cho thấy, tất cả chúng ta không thể trông chờ, dựa hoàn toàn vào những gì nhà trường (và cả gia đình) dạy cho chúng ta, thay vào đó mỗi con người luôn phải cố gắng hoàn thiện mình. Cần học tập mãi mãi từ ngôi trường to hơn, đó là trường đời rộng lớn dành cho tất cả.

Đành rằng khả năng tư duy và tác phong làm việc phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi người, hay phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và lớn lên của từng người. Nhưng chủ doanh nghiệp hay người quản lý của doanh nghiệp không nên lấy trải nghiệm và khả năng của mình ra để đánh giá nhân viên trẻ có tác phong làm việc chưa chuẩn vì có thể họ chưa biết, chưa được học từ bất kỳ ai mà thôi. Nếu là một người có điều kiện, được đi đây đi đó, được làm việc và sống tại nhiều môi trường khác nhau thì có thể tự thân học được nhiều điều, từ ý thức đúng đắn về bản thân, cách gây thiện cảm, kỹ năng xã giao, cho tới khả năng ứng xử trong nhiều tình huống đặc biệt, khả năng giải quyết các vấn đề trong công việc và cuộc sống…

Tất nhiên, ở những nước phát triển thì có lẽ mặt bằng về tác phong người trẻ sẽ đồng đều hơn, cái gọi là hiển nhiên ai cũng phải biết sẽ tồn tại nhiều hơn còn ở đất nước chúng ta trong thời điểm hiện nay thì chưa thể đòi hỏi điều đó, chúng ta sẽ cần thêm thời gian… và cho tới lúc đó thì nhân viên, nhất là nhân viên trẻ cần phải được đào tạo.

 

Nhân viên của mình, doanh nghiệp phải đào tạo và kèm cặp

Rõ ràng là doanh nghiệp muốn nhân viên có tác phong làm việc tốt thì nên tập trung vào đào tạo cho họ, trước là khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp đó, sau là cống hiến cho xã hội những con người ưu tú, biết cách ứng xử lịch thiệp và thông minh trong kỷ nguyên mới.

Nhân viên được tuyển vào đã vượt qua được các yêu cầu đầu tiên. Vậy nên, họ tích cực và cũng rất mong được đào tạo để trở nên tốt hơn. Nếu doanh nghiệp muốn nhân viên biết cách đi đứng nói cười, ngoại giao hay biết việc, biết điều, hay ‘sành điệu”, sang chảnh… thì phải tìm cách chỉ dẫn cho họ thôi.

Điều đúng đắn sẽ được đón nhận, và lan tỏa trở thành nét văn hóa của doanh nghiệp. Một khi tác phong làm việc cơ bản đã trở thành một phần trong văn hóa của doanh nghiệp thì nó sẽ có sức mạnh rất lớn, các nhân viên mới sẽ nhanh chóng lĩnh hội sau khi gia nhập, và làm chủ tác phong ấy như một kỹ năng cơ bản nhất.

Nga Bùi.

Ban đào tạo.